Dư luận Trung Quốc cho rằng, hai chiếc điện thoại này chính là "chiếc điện thoại đỏ thần bí" mà chỉ có các lãnh đạo cấp cao mới được sử dụng.
Truyền thông Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra lời giải làm rõ những thắc mắc của dư luận nước này.
Theo đó, "điện thoại đỏ" là điện thoại bảo mật nội mạng chuyên dụng của các lãnh đạo cấp phó tỉnh trở lên.
Hệ thống điện tín của dòng điện thoại này do Văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thiết kế và quản lý. Những chiếc điện thoại này được áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất cùng sự bảo mật nghiêm ngặt.
Hai chiếc điện thoại màu đỏ bí ẩn của ông Tập Cận Bình
Mặc dù cùng mang màu đỏ nhưng hai chiếc điện thoại này có chức năng hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, hai chiếc này còn không cùng hệ thống.
"Hai chiếc điện thoại bí ẩn" trên bàn làm việc của ông Tập. (Ảnh: Peixunwang)
Một trong hai chiếc điện thoại đỏ có đẳng cấp thấp hơn được gọi là điện thoại bảo mật quân sự. Do toàn quân đội Trung Quốc đều sử dụng chung hệ thống mạng thông tin này nên chế độ bảo mật không được đánh giá cao.
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập có thể dùng chiếc điện thoại này gọi trực tiếp đến bất cứ một đơn vị quân đội nào.
Bề ngoài, chiếc điện thoại bàn này hoàn toàn giống với những chiếc điện thoại bàn thông thường khác với một bàn phím cố định. Ngoài ra, nó còn có chức năng ghi nhớ những số điện thoại thường xuyên liên lạc.
Được biết, điện thoại trên có hai phím chức năng là mã công khai và mã hóa. Sau khi bấm số, cuộc gọi chưa thể trực tiếp kết nối, người gọi cần phải bấm một trong hai phím trên mới có thể được kết nối.
Trong quá trình gọi điện, người gọi cũng có thể đổi chế độ mã hóa khi bấm hai phím trên.
Chiếc còn lại là điện thoại cao cấp nhất với tên gọi "điện thoại quân ủy số 1", hay còn gọi là "điện thoại đỏ", "điện thoại số 1".
Đây chính là chiếc "điện thoại đỏ thần bí" của các đời lãnh đạo Trung Quốc.
Trên thực tế, số lượng người có quyền sử dụng chiếc điện thoại này không hề ít như dư luận Trung Quốc dự đoán.
Ngoài chủ Chủ tịch nước và Thủ tướng, các Ủy viên Bộ chính trị, quan chức cấp tỉnh và quân nhân cao cấp đều có thể sử dụng loại điện thoại như vậy.
Ngay cả những cán bộ "cấp phó nhà nước" dù đã về hưu nhưng trong nhà vẫn có loại điện thoại này để tiện liên lạc với các cán bộ lãnh đạo đương nhiệm.
Đặc điểm nổi bật nhất của "điện thoại số 1" chính là không có bàn phím, cũng không có phím mã hóa bởi nó không cần phải bấm số cho nên tất cả các thông tin đều được bảo mật.
Người sử dụng điện thoại sẽ thông qua đội ngũ trực ban để kết nối với đối tượng cần liên lạc.
Kết cấu bên trong chiếc điện thoại này có cài chíp chống nghe trộm, khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường, điện thoại này sẽ tự động rung chuông báo.
Lịch sử của "chiếc điện thoại đỏ"
"Điện thoại đỏ" sớm xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 1949. Khi các lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc chuyển đến Trung Nam Hải, hệ thống điện tín càng được chú trọng quản lý sát sao hơn.
Tháng 4/1951, để tăng cường công tác bảo mật và hiệu suất thông tin, Văn phòng trung ương và Bộ thông tin Trung Quốc quyết định thành lập Sở điện tín Trung Nam Hải.
Tháng 7/1952, số máy lẻ của Cục chuyên dụng Trung Nam Hải là 39 nên cục này sau còn được gọi tắt là Cục 39.
Theo quy định, nhân viên cục này mỗi tháng chỉ được về nhà một lần, cũng không được tùy ý ra ngoài và nói chuyện với người thân.
Đặc biệt, những nhân viên này cũng không được tiết lộ địa điểm, nhiệm vụ công tác, không được nghe trộm điện thoại của lãnh đạo cấp trên.
Chiếc điện thoại màu đỏ của Mao Trạch Đông tại Trung Nam Hải. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)
Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông sở hữu một chiếc "điện thoại số 1" nhưng ông rất ít khi tự nghe điện thoại. Bất cứ cuộc gọi nào đến văn phòng Mao, máy tổng đều kết nối trước với ban thư ký cơ yếu.
Chỉ khi được xác nhận đây là cuộc gọi khẩn thì ban thư ký mới báo lại và Mao sẽ trực tiếp nghe máy.
Những ai phụ trách vận hành "điện thoại đỏ"?
Đối với nhân viên Trung Nam Hải, đặc biệt những nhân viên phụ trách trực "điện thoại đỏ" thì áp lực vô cùng lớn.
Theo lời kể của cựu nhân viên lễ tân Bộ ngoại giao Trung Quốc Mã Bảo Phụng, khi cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đến thăm Trung Quốc vào tháng 5/1989, để đảm bảo an toàn, đội nghi thức đã di chuyển từ quảng trường ngoài cửa Đông của Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh đến đến sân bay.
Diễn biến bất ngờ đã làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch ban đầu. Khi đó, để đảm bảo bí mật nhưng vẫn có thể thông báo đến các bộ phận liên quan về lịch trình của Gorbachev, tất cả đều được lệnh sử dụng "điện thoại đỏ".
Hay trong lần khảo sát Quảng Châu của Mao Trạch Đông năm 1954, một đội ngũ phụ trách thông tin liên lạc đã lắp đặt tạm thời một điện thoại bảo mật tại cơ sở và bật chế độ kết nối liên tục 24/24 với điện thoại tại trụ sở ở Bắc Kinh.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sử dụng "điện thoại đỏ" trong lần đến khảo sát trận động đất Nhã An, Tứ Xuyên năm 2013. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)
Một cựu thư ký lại kể rằng, để đảm bảo tín hiệu thông suốt, "điện thoại đỏ" vừa kêu, nhân viên trực ban cần lập tức bắt máy.
Cũng theo ông này, các nhân viên trực ban bình thường rất sợ "điện thoại đỏ" đổ chuông bởi đó có thể là cuộc điện thoại phê bình. Người công tác tại Văn phòng trung ương có tần suất sử dụng điện thoại đỏ còn cao hơn thế.
Một nguồn tin cho hay, Giám đốc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) Triệu Hóa Dũng từng bị nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân phê bình qua "điện thoại đỏ" do một thông tin sai được phát sóng trên chương trình thời sự "Xinwen lianbo" vào tháng 2/2001.
Tuy nhiên, "điện thoại đỏ" cũng phát huy tác dụng đặc biệt khi kịp thời "cứu sống" cựu Thứ trưởng Bộ giáo dục Diệp Thánh Đào khi ông này đổ bệnh.
Năm 1967, khi Diệp lâm vào tình trạng nguy kịch, Thứ trưởng Bộ giáo dục đương nhiệm Lưu Ngai Phong đã dùng "điện thoại đỏ" gọi đến văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lai nhờ đó mà Diệp nhận được chỉ thị "dốc toàn lực ứng cứu".
theo Trí Thức Trẻ
Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn