0977323883 vuannam@yahoo.com

Cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa được 'ưu tiên làm trước'

Lượt xem: 554 Ngày đăng: 17/08/2017

Trong báo cáo tiền khả thi cao tốc Bắc Nam, Bộ Giao thông đưa ra các phương án để ưu tiên làm trước đoạn tuyến cấp bách. 

Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Nam.

Trong đó, theo ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI - đơn vị tư vấn lập dự án), Bộ xác định một số đoạn cấp bách, có nhu cầu vận tải lớn đã đầy đủ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi là đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa và đoạn Dầu Giây - Phan Thiết

"Hai tuyến này sẽ được ưu tiên triển khai trước", ông Sơn nói và cho biết, trong trường hợp không có nhà đầu tư tham gia, Bộ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020. Sau đó, cơ quan chức năng giao một số doanh nghiệp mạnh đầu tư trước dự án cấp bách theo hình thức đầu tư công, rồi sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền vận hành, khai thác.

Đơn vị tư vấn cũng cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng sẽ làm rõ 20 đoạn hành lang đường sắt cao tốc đi cùng với đường sắt Bắc Nam; khẳng định việc giải phóng mặt bằng qua Quảng Ngãi - Nha Trang không ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ.

Mạng lưới cao tốc trên cả nước và cao tốc Bắc Nam. 

Mạng lưới cao tốc trên cả nước và cao tốc Bắc Nam. 

Ngoài ra, theo ông Phạm Hữu Sơn, trước đây Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù để bảo lãnh rủi ro (về doanh thu, tiến độ giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ...) cho nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài tham gia xây dựng đường cao tốc trong nước. Tuy nhiên, lần này Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông xem xét bỏ các nội dung trên.

Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều bình đẳng về cơ chế tại dự án cao tốc Bắc Nam. "Chúng tôi chưa đánh giá được khả năng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia hay không, song họ vẫn có nhiều lợi thế, ví dụ nguồn vốn vay lãi thấp hơn trong nước, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế", ông Sơn nói.

Về mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ xác định là 14% mỗi năm, và nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án sau khi công trình được đưa vào khai thác.

Bộ Giao thông cũng kiến nghị cho phép quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai thực tế, không áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì đối với các dự án giao thông, nguồn vốn giải ngân theo tiến độ tương ứng với khối lượng hoàn thành. Nếu huy động vốn theo quy định Luật Doanh nghiệp sẽ có một lượng vốn lớn có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng không được sử dụng ngay.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Bắc Nam dự kiến trình Thủ tướng trước 20/8. Sau đó, Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền và dự kiến Quốc hội sẽ xem xét vào tháng 10 tới.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam dài 1.372 km được chia thành 20 dự án thành phần. Trong đó, giai đoạn một (2017 -2020) ưu tiên đầu tư xây dựng trước 713 km với tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng, gồm phần vốn Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bẳng và vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Đoàn Loan (vnexpress)

Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn