0977323883 vuannam@yahoo.com

Chủ tịch HĐQT Tasco ứng cử ĐBQH: “Với tuổi mình, tôi còn ham hố gì chức quyền”

Lượt xem: 1269 Ngày đăng: 21/05/2016
Chủ tịch HĐQT Tasco ứng cử ĐBQH: “Với tuổi mình, tôi còn ham hố gì chức quyền”

Trò chuyện với ông Phạm Quang Dũng trước thềm ngày toàn dân đi bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIV, điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nhất ở vị doanh nhân hơn 60 tuổi này là sự nhiệt tình. "Vẫn còn đam mê thì cứ làm thôi. Bận nhưng đó là niềm vui của tôi. Tôi thích làm thế." - ông Dũng trả lời đơn giản.

Ngày 22/05, người dân cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trước ngày bầu cử, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco (mã: HUT) – một trong số các doanh nhân tại một doanh nghiệp niêm yết tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội năm nay. Ông Phạm Quang Dũng ứng cử đại biểu tại tỉnh Nam Định.

Vui vẻ trả lời các câu hỏi, ông Dũng chia sẻ: “Ở độ tuổi này, tôi còn ham hố gì chức quyền. Chỉ là muốn đại diện tiếng nói của mọi người, của cộng đồng doanh nghiệp đem đến Quốc hội mà thôi.”

Thưa ông, nếu được người dân tín nhiệm và bầu làm đại biểu Quốc hội, ông sẽ làm gì để đáp ứng sự tin cậy đó?

Ông Phạm Quang Dũng: Là doanh nghiệp lớn nhất miền bắc này trong hoạt động xã hội hóa đường giao thông, tôi từng làm các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… Và đây cũng là các hoạt động mà tôi sẽ làm để phát triển kinh tế địa phương. Những gì làm được thì tôi đã làm rồi và tôi sẽ tiếp tục làm các công trình hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân bằng nghề của mình.

Theo tôi, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước: “Đường mở đến đâu thì giàu đến đấy”. Mở đường ra để giao thông thuận tiện, người dân buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhanh;mở đường ra để chào đón các nhà đầu tư khắp miền đất nước, nhà đầu tư nước ngoài và tạo việc làm cho người dân.

Ngoài việc thu hút đầu tư về địa bàn tỉnh, còn phải làm sao để tạo động lực cho con em người địa phương đứng lên khởi nghiệp. Bây giờ, phát triển kinh tế phải là khởi nghiệp, càng nhiều người khởi nghiệp thì càng nhiều doanh nghiệp ra đời, tạo công ăn việc làm cho người dân và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Trong thực tế, nhiều người có ý tưởng sáng tạo, muốn kinh doanh nhưng không thể vượt qua nỗi sợ thất bại, sợ rủi ro. Tôi có khả năng truyền động lực, tôi sẽ giúp thanh niên đứng lên khởi nghiệp. Lâu nay tôi vẫn thường đi gặp mặt và “truyền lửa” cho các sinh viên, người nông dân, công nhân … để họ có động lực và có hướng để khởi nghiệp.

Nói thật, ở nông thôn, nếu chỉ làm ruộng, với mức bình quân mỗi người 1 sào thì không thể nào giàu được. Làm nông bây giờ phải áp dụng công nghệ cao, ứng dụng mô hình mẫu lớn… thì năng suất mới cao lên được. Chứ không, bao giờ mới giàu?

Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông cho biết mỗi ngày làm việc 12 – 14 tiếng, cả tuần chỉ nghỉ nửa buổi ngày chủ nhật. Với lịch làm việc như thế, ông còn thời gian đâu mà “vác tù và hàng tổng” với vai trò đai biểu Quốc hội nữa nếu trúng cử?

Tôi vẫn làm việc trên tất cả các lĩnh vực đấy chứ, đâu phải chỉ làm việc tại doanh nghiệp thôi. 12 – 14 tiếng mỗi ngày bao gồm cả việc doanh nghiệp lẫn nghiên cứu, học tập, hoạt động xã hội.

Trong doanh nghiệp, đã đến lúc tôi xây dựng một thế hệ kế cận để chuyển giao, vì tôi cũng không còn trẻ nữa. Giờ, với kinh nghiệm của mình, tôi chỉ muốn trao lại cho đời.

Nhiều người khuyên tôi chuyển giao công việc càng sớm càng tốt để đi ra ngoài, nói chuyện về văn hóa doanh nghiệp, động lực kinh doanh… và truyền lửa cho mọi người, giúp được nhiều người hơn. Thậm chí các bạn sinh viên khi cần tôi tư vấn, tôi vẫn tư vấn đấy.

Vẫn còn đam mê thì cứ làm thôi. Bận nhưng đó là niềm vui của tôi. Tôi thích làm thế.

 

Theo ông, đại biểu Quốc hội là doanh nhân sẽ đóng góp gì khác biệt so với các đại biểu Quốc hội khác?

Từng trải nghiệm và nỗ lực trong 20 năm làm doanh nghiệp thì bài học quản lý, vấp ngã trong kinh doanh, phản ứng trước các chính sách, quy định pháp luật… là những thứ mà tôi có thể đóng góp vào Nghị trường, để làm sao Quốc hội có các chính sách phù hợp nhất, tháo gỡ cho doanh nghiệp. DN phải phát triển thì nền kinh tế mới phát triển và muốn DN phát triển, hệ thống pháp luật phải thông thoáng để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho họ.

Khi DN có đại diện, tiếng nói sẽ trực tiếp, trực diện và thiết thực hơn. Ai chưa từng làm DN, chưa từng va vấp với các chính sách, pháp luật thì khó hiểu được các vướng mắc khi kinh doanh.

Mình là doanh nhân , mình có thể đại diện tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp địa phương để đóng góp và giúp cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Chứ với tuổi mình, tôi còn ham hố gì chức quyền. Tôi chỉ muốn đại diện tiếng nói của người dân và doanh nghiệp đem đến Quốc hội thôi.

Vậy trong hoạt động kinh doanh, nếu phải lựa chọn giữa quyền lợi của cổ đông và quyền lợi của nhân dân thì ông sẽ ra quyết định như thế nào?

Một doanh nghiệp khi kinh doanh phải đảm bảo câu chuyện bảo toàn vốn, lợi nhuận cao, trả cổ tức cho cổ đông, song song với đó là đảm bảo nghĩa vụ thuế với ngân sách. Lợi ích của cổ đông, của cán bộ công nhân viên và lợi ích của khách hàng phải hài hòa. Họ chính là nhân dân chứ ai. Nếu lợi ích chỉ thuộc về 1 trong 3 đối tượng này thì DN không bao giờ phát triển.

Ông đã từng phục hồi TASCO từ một doanh nghiệp trên bờ vực phá sản thành lớn mạnh như ngày nay. Điều này liệu có giúp gì cho ông khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đóng góp cho người dân sau này nếu trúng cử ?

Tiếp nhận một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản và gây dựng nó từ không thành có, đó là việc mà xã hội ghi nhận và anh em họ nhìn thấy. Tôi cũng cố gắng làm sao để DN phát triển và trường tồn, còn xã hội ghi nhận thì đó là điều tốt.

Ở lứa tuổi của ông, hẳn đã được chứng kiến đầy đủ các giai đoạn chuyển giao, đổi mới của đất nước và từ đó nắm bắt các cơ hội xây dựng sự nghiệp như hiện nay. Theo ông, trong giai đoạn này, cơ hội cho các DN có nhiều?

Mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Cơ hội đến với tất cả mọi người chứ không riêng ai. Ai phát hiện ra kẽ hở thị trường, thiết kế ra sản phẩm khác biệt với đối thủ cạnh tranh thì đó là cơ hội.

Như tôi, nhìn đâu cũng có cơ hội nhưng sức người có hạn, không làm xuể. Câu chuyện cuối cùng vẫn là con người, nhân tài mà thôi. Và để có “tài”, hay nói cụ thể là trí tuệ, kiến thức thì phải trải nghiệm chứ chỉ học trong trường không đủ đâu.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Quang Dũng (Phạm Văn Nấng), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TASCO (mã: HUT)

Ông Phạm Quang Dũng sinh ngày 12/04/1954 tại Nam Định. Làm việc trong ngành xây dựng từ những năm 80 và từng giữ vị trí lãnh đạo tại Công ty Công trình giao thông Nam Định, ông Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Tasco từ năm 2011 đến nay.

Ngoài chức vụ này, ông Dũng cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Thăng Long – CTCP. Hiện Tasco nắm 60,46% vốn cổ phần của Thăng Long.

Nguyên là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971 với tên gọi là Đội cầu Nam Hà và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, đến nay, TASCO đã trở thành một thương hiệu lớn trong ngành với vốn điều lệ gần 1.300 tỷ đồng, doanh thu năm 2015 đạt hơn 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 160 tỷ.

Bảo Ngọc

Theo Trí thức trẻ

 

Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn