Cường đô la thâu tóm tài sản công ty bầu Đức
Cả Quốc Cường Gia Lai và Hoàng Anh Gia Lai đều rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền và gánh khoản nợ khủng. Vì vậy, việc Hoàng Anh Gia Lai phải bán tài sản lấy tiền mặt để trang trải cho các hoạt động là điều có thể dự báo trước được.
Tuy nhiên, nhiều người bất ngờ khi biết Quốc Cường Gia Lai, công ty do doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc chính là đơn vị nhận mua tài sản mà công ty của bầu Đức.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, trong phần các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, Hoàng Anh Gia Lai cho biết vào ngày 21/03/2016, công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh, công ty con của Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để chuyển nhượng Dự án Trung tâm thương mại tại Đường 2/9 (Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai đường 2/9), phường Bình Hiên Bình Thuận, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Quốc Cường Gia Lai đã mua dự án đất vàng ở Đà Nẵng của Hoàng Anh Gia Lai |
Giá trị chuyển nhượng đạt 419 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền từ thương vụ chuyển nhượng này đã được chuyển đủ vào ngày 17/3/2016.
Dự án này mới được Hoàng Anh Gia Lai cập nhật trên website của mình vào cuối tháng 12/2015. Theo đó, dự án nằm trên đất vàng của thành phố Đà Nẵng có diện tích đất 56.588 m2. Khu phức hợp dự kiến có 2.944 căn hộ, 4 tầng trung tâm thương mại và 54 tầng văn phòng.
Cuối năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai từng tuyên bố sẽ xây dựng một dự án nằm ở vị trí sầm uất trung tâm phát triển bậc nhất của Thành phố Đà Nẵng, dự án sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của Việt Nam nói chung và của Đà Nẵng nói riêng. Đó là Dự án Trung tâm thương mại tại Đường 2/9. Điều đó cho thấy phải bí bách lắm công ty của bầu Đức mới bán dự án này.
Nguồn tiền của Quốc Cường Gia Lai
Có thể thấy, Quốc Cường Gia La không hề dư dả tiền để có thể vung hàng trăm tỷ đồng mua sắm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của công ty, tại thời điểm cuối năm 2015, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ là 17,15 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 106,4 tỷ đồng hồi cuối năm 2014. Đây là con số quá nhỏ để mua 1 dự án.
Thế nhưng, Quốc Cường Gia Lai lại dễ dàng thanh toán ngay lập tức 416 tỷ đồng vài ngày trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng dự án.
Đi vay là cách tốt nhất để Quốc Cường Gia Lai có dòng tiền. Trong năm 2015, Quốc Cường Gia Lai đã thế chấp quyền sử dụng đất của nhiều mảnh đất, dự án, thủy điện,.. để vay thêm 350 tỷ đồng, nâng tổng nợ lên 1.765,74 tỷ đồng. Những khoản nợ này có lãi suất từ 5% tới 10,5%.
Bên cạnh đó, nhiều tài sản của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cũng được mang thế chấp như quyền sử dụng nhiều mảnh đất và toàn bộ cổ phiếu QCG thuộc sở hữu của bà Loan.
Ngoài ra, cũng trong năm 2015, nguồn vốn chủ sở hữu của Quốc Cường Gia Lai tăng lên đáng kể khi công ty thực hiện phát hành cổ phiếu phổ thông. Chỉ số này cuối năm 2015 là 3.795,22 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2.309,53 tỷ đồng hồi cuối năm 2014.
Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ Hoàng Anh Gia Lai công bố thương vụ này. Phía Quốc Cường Gia Lai vẫn im hơi lặng tiếng. Trong báo cáo tài chính được lập ngày 30/3/2015, ở phần các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, Quốc Cường Gia Lai không hề đề cập đến việc mua bán dự án Trung tâm thương mại tại Đường 2/9.
Theo Quốc Cường Gia Lai, công ty mới chỉ góp 9,18 tỷ đồng để tăng số vốn góp trong công ty cổ phần Thủy điện Quốc Cường và hoàn tất việc mua 49% phần sở hữu còn lại trong công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng.
Quốc Cường Gia Lai khẳng định ngoài các sự kiện nêu trên, không có sự kiện quan trọng nào khác xảy ra từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm yêu cầu có các điều chỉnh hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất.
(Theo VTC)