0977323883 vuannam@yahoo.com

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho "đại bàng" ở nơi Covid-19 gây rung động cả nước

Lượt xem: 439 Ngày đăng: 07/09/2021

Vĩnh Phúc - nơi khởi phát Covid-19 sau cuộc hồi hương chóng vánh của nhóm công nhân từ Vũ Hán, điểm "đánh chặn" ổ dịch karaoke Sunny trong đêm và chiến lược giữ tổ "đại bàng" giúp GRDP lọt top đầu.

https://www.youtube.com/channel/UCCTaGlMVwytbkv2jnv3V4uA

https://www.youtube.com/watch?v=FxqVqErRpD0&t=2s

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí về công cuộc phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - nhiều lần nhắc tới cụm từ "chưa từng có tiền lệ" khi đề cập tới những chính sách chỉ đạo, điều hành và các vấn đề phát sinh trong thực tiễn tại địa phương.

Vị Chủ tịch tỉnh cũng từ chối nói về thành quả chống dịch với danh nghĩa cá nhân mà khẳng định: Đó là sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy; ý chí, quyết tâm của chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc. 

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 1

Nếu Vũ Hán - Trung Quốc là nơi bùng phát Covid-19 đầu tiên trên thế giới thì Sơn Lôi - Vĩnh Phúc là điểm khởi phát dịch tại Việt Nam, thời điểm đó dư luận rúng động vì nhóm công dân, người lao động hồi hương mang theo mầm bệnh. Vĩnh Phúc bước vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 sớm nhất cả nước, đến nay cũng trải qua các giai đoạn giãn cách xã hội lớn, đã có những quyết định nào đặc biệt được ban hành và áp dụng ở tỉnh nhà, thưa ông?

- Việc tiên quyết của chúng tôi là phải tổ chức, triển khai một cách quyết liệt, bài bản, sáng tạo và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Trung ương… nhưng theo cách của Vĩnh Phúc. Khi Trung ương nói "chống dịch như chống giặc" thì ngay lập tức Vĩnh Phúc coi đó là mệnh lệnh. Khi địa phương xuất hiện ca mắc Covid-19 thì có nghĩa là đã xuất hiện "giặc", vì vậy chúng tôi đã chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến.

Năm 2020, Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết về tình trạng cấp bách do dịch bệnh. Nghị quyết giao trách nhiệm, giao quyền cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ra các mệnh lệnh hành chính, quyết định hành chính. UBND tỉnh, Chủ tịch tỉnh được ban hành quyền trưng thu, trưng dụng, quyền ra các lệnh cấm, quyền yêu cầu người dân phải tuân thủ, có cả những quyền vượt thẩm quyền trong công tác chỉ đạo điều hành lúc thời bình.  

Vì sao vậy? Vì trong chống dịch thì phải ngay và luôn. Chúng tôi đã chọn được thời điểm vàng để ra các quyết định đúng. Điển hình nhất là quyết định cách ly xã hội toàn bộ xã Sơn Lôi của huyện Bình Xuyên khi bùng phát dịch năm 2020. Đó là quyết định chưa từng có trong tiền lệ. Ở Việt Nam, kể từ ngày lập nước tới nay cũng chưa từng có việc khoanh vùng, cách ly đối với cả một địa giới hành chính cấp xã.

Thời điểm đó, chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ lưỡng vì không có căn cứ pháp lý nào cả. Điều duy nhất và cực kỳ quan trọng mà chúng tôi có thể bám vào là Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có nêu rõ "việc gì tốt cho dân thì làm và không sợ sai". Với căn cứ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc này.

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 4

Đợt bùng dịch ở quán karaoke Sunny, thành phố Phúc Yên dịp 30/4-1/5 vừa qua gây nhiều ồn ào, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin trái chiều về hoạt động của điểm kinh doanh dịch vụ này. Trước áp lực đó, chính quyền địa phương đã tiếp cận và xử lý như thế nào để vừa dập được dịch, trấn an tâm lý người dân và dẹp bỏ thông tin xấu, thông tin độc?

- Thời điểm đó đánh dấu dịch tái bùng phát dịch tại Việt Nam. Khi phát hiện ca mắc Covid-19 tại quán karaoke Sunny (Phúc Yên), Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đã họp khẩn lúc 0h và có chiến lược ngay. Ngay trong đêm 30/4, tất cả các đối tượng có liên quan đến quán karaoke Sunny đều được rà soát. Đến sáng ngày 1/5, chúng tôi đã khống chế, phong tỏa được tất cả các khu vực có người liên quan tới quán karaoke này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là "chủ động tấn công dịch", chúng tôi đã thay đổi chiến lược từ điều tra, truy vết, xét nghiệm chuyển sang chiến lược bao vây, phong tỏa, đón đầu và đánh chặn.

Chúng tôi đã phải thay đổi rất nhiều phương án để triển khai chiến lược mới. Nếu như trước đây khi phát hiện một ca F0 thì đi điều tra, xác minh và xét nghiệm, kiểm điểm F1, F2 là bao nhiêu người. Bây giờ, khi có F0 thì việc đầu tiên là khoanh vùng toàn bộ; bao vây, phong tỏa được rồi mới tiến hành điều tra, truy vết trong khu vực đã phong tỏa để tránh lây lan rộng.

Với hơn 100 ca mắc Covid-19 chỉ trong 2 tuần, chúng tôi đã nhanh chóng khoanh vùng, khống chế và cuối cùng đã làm được, đã "đánh chặn" được dịch, không để dịch lây lan rộng. Hoạt động "đánh chặn" này lực lượng công an của chúng tôi đã làm rất tốt.

Có thể nói, việc quan trọng nhất Vĩnh Phúc làm được là nhận thức của người dân, sự quyết liệt của chính quyền trong chỉ đạo điều hành. Chỉ trong vòng một tháng, Vĩnh Phúc đã đình chỉ công tác 10 cán bộ cấp huyện, cấp xã, đình chỉ cả Chủ tịch huyện, đình chỉ Giám đốc Sở chuyên ngành. Cùng với việc xử lý nghiêm cán bộ là tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống dịch rất tích cực.

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 5

Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và thu hút đầu tư FDI rất mạnh, tập trung nhà máy, dây chuyền sản xuất lớn của các "đại bàng" ngoại như Toyota, Honda, Piaggio… Đáng nói, thời gian qua, các điểm Covid-19 "tấn công" đều là những địa bàn có khu công nghiệp, nhưng chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Vĩnh Phúc đã làm gì để ổn định tâm thế của doanh nghiệp, các nhà đầu tư FDI và đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh?

- Chúng tôi quán triệt rất rõ quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi không bị mơ hồ và nhầm lẫn hai khái niệm này. Chúng tôi thực hiện "mục tiêu kép" nhưng chống dịch luôn luôn được đặt lên hàng đầu, phải chống dịch đầu tiên, phải đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì ưu tiên số 1 và hàng đầu của Vĩnh Phúc là biện pháp chống dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp.

Những biện pháp hết sức cụ thể như: Xây dựng các quy định quy trình 5 bước trong doanh nghiệp, luồng di chuyển của công nhân trong doanh nghiệp. Quy định về khoảng cách, nơi ăn chỗ ở… Chúng tôi cũng thành lập rất nhiều tổ cơ động có mặt thường xuyên trong doanh nghiệp.

Đơn cử như ở Honda, Toyota và các doanh nghiệp lớn đều có các tổ công tác cơ động thực hiện xét nghiệm Covid-19 thường kỳ và xét nghiệm tầm soát cho doanh nghiệp, đảm bảo rằng "sản xuất là việc của doanh nghiệp, nhưng chống dịch là việc của chúng tôi". Việc đó sẽ kiểm soát được các nguy cơ về dịch bệnh, cũng là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp đã ủng hộ công tác phòng chống dịch của chính quyền một cách tuyệt đối.

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 7

Vấn đề tầm soát nguy cơ trên diện rộng cũng được triển khai sớm. Từ thời điểm Tết Nguyên đán 2021, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao làm việc ở trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp… mỗi tuần phải tầm soát ít nhất 3% số lao động; doanh nghiệp có nguy cơ cao là từ 3-5% và tập trung vào nhóm lái xe, bán hàng, nhân viên tiếp tân, nhà ăn... phải xét nghiệm Covid-19 hàng tuần.

Đặt nhiệm vụ chống dịch trong khu công nghiệp, doanh nghiệp lên hàng đầu, chúng tôi làm xuyên suốt tới nay và chưa bao giờ thay đổi, chưa bao giờ chúng tôi lung lay quan điểm về việc này. Chính việc bảo vệ được doanh nghiệp, giữ an toàn được cho doanh nghiệp, dù có thể doanh nghiệp phải sản xuất trong điều kiện rất khắc nghiệt và sự quản lý rất chặt của chính quyền nhưng họ vẫn tồn tại, vẫn sản xuất bình thường.

Khi doanh nghiệp ở các nơi đang gặp khó khăn thì lại chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Một điều hết sức đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm nay, cơ bản các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc đều tăng trưởng, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng tới 200%.

Câu chuyện chống dịch của chúng tôi có thể ai đó cho là may mắn, nhưng việc bảo vệ doanh nghiệp, ổn định sản xuất, lấy chống dịch an toàn là một điều kiện để thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư và tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển là quan điểm rất rõ ràng.

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 9

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 10

Nghĩa là ông không cho rằng may mắn mà là chiến lược rõ ràng ngay từ đầu, điều này thể hiện vai trò rất quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trong việc giữ tổ cho "đại bàng"?

- Tôi không cho là như vậy, nếu nói thế người ta sẽ cho rằng tự mãn. Câu chuyện có may mắn hay không thì tôi khẳng định là có, nhưng chính sách của Vĩnh Phúc thì chưa bao giờ thay đổi, chúng tôi rất rõ ràng và chưa bao giờ bị lung lay giữa quan điểm chống dịch trước hay phát triển kinh tế trước.

Khi dịch xuất hiện, chúng tôi đã tuyên bố là bằng mọi giá phải chống dịch, bảo vệ được người dân và bảo vệ được sản xuất. Trong công tác chống dịch thì mục tiêu hàng đầu, tuyến đầu của chúng tôi là bảo vệ được các cơ sở sản xuất, các đơn vị kinh doanh. Bởi đó chính là những nơi dễ phát sinh dịch bệnh và nguy cơ lây lan dịch rất cao.

Thử hình dung một doanh nghiệp có 5.000 công nhân, họ lại tiếp xúc với 5.000 gia đình và các thành viên trong 5.000 gia đình đó lại tiếp xúc với rất nhiều người khác. Nếu một người mắc Covid-19 thì sẽ lây nhiễm rất nghiêm trọng. Do đó phải tạo được môi trường ổn định cho sản xuất kinh, đảm bảo an toàn cho khu công nghiệp, cho doanh nghiệp thì kinh tế mới phát triển được. 

Với việc thực hiện chính sách "3 cùng", chúng tôi đã thành lập các khu ký túc xá, chuẩn bị nhiều nơi ở đủ rộng, đủ thoáng để cho hàng chục nghìn công nhân, người nước ngoài ở miễn phí. Đối với người nước ngoài, chúng tôi yêu cầu tuyệt đối không được rời khỏi địa phương, không được di chuyển tới nơi khác, không về Hà Nội, hay đến những khu vực có nguy cơ, vùng dịch… Đã xác định là làm việc ở Vĩnh Phúc thì phải ở tại Vĩnh Phúc.

Chúng tôi đã trưng dụng, trưng thu khoảng 10 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao với mức giá rất phù hợp, không quá 500.000 đồng/ngày, đêm. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho việc ăn ở ngay tại doanh nghiệp. Các phương án này được xây dựng để người nước ngoài có thể lựa chọn theo nhu cầu. Họ thấy hợp lý thì sử dụng, không phàn nàn và hợp tác về phòng chống dịch.

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 11

Tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc (GRDP) trong 6 tháng đầu năm gây ấn tượng với con số 14,21%, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước. Trong bối cảnh đại dịch, đạt được kết quả này không phải dễ dàng gì, tôi hỏi thật là đã có lúc nào nguy cơ đứt gãy sản xuất, kinh doanh hiện hữu?

- Không phải là nguy cơ lúc nào mà việc này luôn được đặt ra thường trực. Trong bất kỳ một thời điểm nào, hoàn cảnh không hay nào thì cũng dễ xảy ra nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Chính vì vậy chúng tôi thận trọng và chi tiết tới từng việc nhỏ nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Honda gặp khó khăn ở các nhà máy ở Bắc Ninh, Bắc Giang thì chúng tôi có thể cử người hỗ trợ tại chỗ và hỗ trợ cả các nhà cung cấp, đối tác của Honda. Chưa bao giờ, Tổng Giám đốc của Honda, Toyota, Piaggio lại được tạo điều kiện trao đổi công việc một cách trực tiếp với Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh, các Sở ban ngành của địa phương nhiều như bây giờ, thậm chí là trao đổi hàng ngày, để bàn bạc về các giải pháp chống dịch và sản xuất kinh doanh.

Thực tế các doanh nghiệp đóng tại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang sản xuất ổn định, nhưng lại có những yếu tố khách quan tác động tới kết quả sản xuất kinh doanh. Sự thật là việc giãn cách xã hội ở các địa phương lớn làm cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Vĩnh Phúc cũng bị ảnh hưởng, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được nên dây chuyền bị đình trệ.

Hiện nay, Toyota đang phải dừng sản xuất, không phải vì dịch bệnh ở địa phương mà vì nhà máy không còn kho để chứa hàng. Toàn bộ hàng hóa bán cho Hà Nội và các tỉnh phía Nam, Hà Nội không xuất đi được. Honda, Piaggio cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi có một tổ công tác đặc biệt với 12 người. Trong trường hợp đặc biệt, tổ công tác được phép dùng thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh để giải quyết. Tất cả các doanh nghiệp đều có thể liên hệ với tổ công tác này 24/24h, để đề nghị bất kỳ việc gì và được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Tổ công tác mà ông vừa đề cập tới khiến tôi thấy họ giống như những "siêu nhân" trong phòng chống dịch. Ông có thể dẫn chứng những việc điển hình mà tổ công tác này đã thực hiện, đặc biệt là việc sử dụng thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh trong tình huống cấp bách?  

- Tổ công tác này không phải là lãnh đạo hay các cán bộ cấp cao, tất cả đều là nhân viên bình thường, nhưng họ làm việc và được điều hành trực tiếp bởi Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tỉnh. Các thành viên trong tổ có trình độ ngoại ngữ, am hiểu về công nghệ thông tin, có ý thức chính trị, có tinh thần trách nhiệm và đáp ứng được các yêu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Mới đây, có một trường hợp là phụ nữ gọi điện cho tổ công tác khóc lóc lúc 11-12h đêm. Họ trình bày là một sản phụ, được bệnh viện tỉnh đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tại Hà Nội và đã được mổ đẻ. Sau mổ 5 ngày, thấy tình hình sức khỏe của 2 mẹ con ổn định nên bệnh viện sản phụ Hà Nội yêu cầu phải ra viện. Tuy nhiên, khi liên hệ về nhà thì nhận được thông báo quy định người về từ vùng dịch, trong đó có Hà Nội thì phải đi cách ly tập trung 21 ngày.

Với một sản phụ vừa mổ đẻ được 5 ngày mà đưa cả 2 mẹ con họ vào khu cách ly tập trung thì thật sự làm sao họ chịu được. Đó là công dân của tỉnh mình, người sản phụ đó bằng tuổi con cháu mình. Nếu chiếu theo các quy định thì tất cả người về từ vùng dịch, kể cả sản phụ cũng phải đi cách ly tập trung 21 ngày. Mọi việc đều không có tiền lệ. Vậy tình huống này phải xử lý ra sao? Khi đó, tổ công tác đã phải lấy thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh ra để giải quyết, đồng ý cho sản phụ và trẻ sơ sinh được về cách ly tại nhà và theo dõi y tế chặt chẽ.

Trường hợp khác là hai người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc, họ cần tới Đại sứ quán ở Hà Nội để tiêm vắc xin Covid-19. Nhưng đi tới Hà Nội là tới vùng dịch và khi quay về phải cách ly 21 ngày. Họ gọi điện cho tổ công tác bày tỏ vấn đề không đi tiêm thì không được, tiêm xong quay về địa phương ngay nhưng phải cách ly thì việc điều hành, sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị gián đoạn. Xét theo các quy định thì đó là điều kiện bắt buộc, nếu không thực hiện nghiêm để xảy ra nguy cơ lây lan dịch thì có thể bị truy tố theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, tổ công tác đã phải sử dụng thẩm quyền quyết định của Chủ tịch tỉnh và xử lý bằng cách chưa có tiền lệ là cho 2 người nước ngoài đi Hà Nội, đến Đại sứ quán tiêm để vắc xin, tuy nhiên hành trình này có người đi theo giám sát. Tất cả phải mặc bảo hộ y tế, 2 người nước ngoài phải trả toàn bộ tiền phí thuê xe, phải chịu sự giám sát chặt chẽ về điểm đi, điểm đến, phải ký cam kết và chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động này.

Ly kỳ chiến lược giữ tổ cho đại bàng ở nơi Covid-19 gây rúng động cả nước - 15

Ông trao cả thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh cho một tổ công tác để giải quyết các vấn đề cấp bách đúng là việc chưa từng có tiền lệ và vượt ra ngoài quy định. Vậy hành lang pháp lý, trách nhiệm của người đứng đầu và việc xử lý vi phạm của cá nhân, tập thể trong phòng chống dịch tại địa phương như thế nào, thưa ông?

- Thực ra việc gì cũng có cách giải quyết, chỉ có điều là có người dám đứng ra chịu trách nhiệm hay không. Trong bối cảnh này, cả nghìn việc có thể xảy ra hàng ngày và phải có một tổ công tác để thu thập thông tin, phải có người đứng ra giải quyết các tình huống, các công việc đó. Nhưng kể cả có người, có tổ công tác mà không có cơ chế để giải quyết các vấn đề nảy sinh thì cũng không được.

Vì vậy, ngay từ rất sớm Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân với 9 nội dung, trong đó có việc "chuyển trạng thái, công nhận tình trạng cấp bách về dịch bệnh" trên địa bàn tỉnh. Công nhận tình trạng cấp bách nghĩa là đồng ý trao quyền cho UBND tỉnh và Chủ tịch UBND để quyết định các vấn đề, thậm chí là những việc vượt thẩm quyền, vượt ra ngoài các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo yêu cầu chống dịch.

Trong vài tháng Vĩnh Phúc đã đình chỉ công tác tới 10 cán bộ các cấp, khởi tố đến 8 vụ án liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là những con số chưa từng có tiền lệ. Chúng tôi kiên quyết quan điểm rằng không ai, không cán bộ nào được đứng ngoài cuộc, được thờ ơ và bàng quan với nhiệm vụ phòng chống dịch; tất cả những vi phạm phải xử lý triệt để, đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng cũng không chỉ là kỷ luật, đình chỉ, xử lý vi phạm, thời gian qua chúng tôi cũng khen thưởng nhiều điển hình tiên tiến, tuyên dương kịp thời rất nhiều cá nhân, tập thể có thành tích, đóng góp lớn trong công tác phòng chống dịch. 

Có 2 vấn đề quan trọng ở đây: Một là tuyên tuyền, vận động để người dân hiểu về dịch, biết về dịch bệnh và tích cực chống dịch cho mình, cho gia đình mình và cho cộng đồng. Thứ hai là kỷ luật rất nghiêm trong điều kiện phòng chống dịch; trong chỉ đạo, điều hành phải giải quyết thỏa đáng, thấu đáo, có tình, có lý, có trách nhiệm các vấn đề, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Trên cương vị là tổng chỉ huy trong công tác phòng chống dịch, là Chủ tịch UBND tỉnh, ông đặt ra mục tiêu gì về con đường và hướng đi riêng của địa phương để tiếp tục giữ vững thành quả phòng chống dịch và đảm bảo tăng trưởng kinh tế?

- Giống như các tỉnh khác, trong bối cảnh hiện nay chúng tôi không dám đặt ra mục tiêu riêng gì cả. Chúng tôi đã họp bàn, xây dựng rất nhiều giải pháp, kịch bản cho thời gian tới, trong đó việc đầu tiên phải quyết tâm thực hiện là xây dựng một Vĩnh Phúc không có dịch, bằng mọi giá phải xây dựng Vĩnh Phúc trở thành vùng an toàn, vùng xanh.

Chúng tôi cũng xây dựng 4 kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch tái bùng phát và kịch bản đầu tiên là xây dựng Vĩnh Phúc không có dịch phát sinh ngoài cộng đồng. Biết rằng đây là việc vô cùng khó, nhưng đó là ước mơ của chúng tôi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Châu Như Quỳnh
Thiết kế: Thủy Tiên - Nguyễn Vượng
Ảnh: Như Quỳnh, Khánh Linh, Báo Vĩnh Phúc

https://batdongsanannam.com.vn/

https://www.facebook.com/batdongsanannam.vn/

 

Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn