Ngày 11/5, Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã một lần nữa kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không cần thiết cho ngân sách nhà nước.
Trao đổi với Đất Việt, trước thông tin trên, ngày 12/5, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: "Quan điểm của tôi là phải hết sức phải cân nhắc, vì dự án này dùng đến ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng, thì phải quan tâm đến phát triển bền vững, nhất là sông Hồng.
Đây là dòng sông mang tính lịch sử, có chức năng thúc đấy sự phát triển của đồng bằng Bắc Bộ, mang nét văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Chính vì thế, việc nạo vét lòng sông Hồng phải đạt yêu cầu về giá trị lịch sử, giá trị phát triển và cần cân nhắc rất kỹ việc có nên đầu tư hay không. Bằng cách phải tham khảo ý kiến của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu về văn hóa để tránh sai lầm đáng tiếc.
Phải xác định đây không chỉ là dự án phát triển kinh tế, xã hội mà nó còn mang tính lịch sử, văn hóa của cả một vùng đồng bằng bắc bộ".
Theo ông Bảo, không riêng dự án trên, mà tất cả các dự án đều phải quan tâm đến vấn đề văn hóa truyền thống, sự phát triển của các làng nghề, người dân sinh sống vùng ven sông. Vì ảnh hưởng đến môi trường là ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
"Chúng ta không nên phê duyệt các dự án không mang tính bền vững, không thân thiện với môi trường", ông Bảo nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm, ông Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định nhấn mạnh: "Dự án trên chưa cần thực hiện cũng có thể dự báo chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cũng như sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng hạ lưu ĐBSH.
Cho nên, với các dự án đã thấy hạn chế ngay từ ban đầu thì phải loại bỏ đề xuất ngay từ ban đầu, tránh tốn kém ngân sách".
Dự án quá viển vông
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình lại đánh giá đây là một dự án táo bạo, không khả thi, quá viển vông, tất cả các dự báo, đánh giá của chủ đầu tư đều chưa lường trước hết được những ảnh hưởng, tác động đến môi trường.
Phân tích rõ, ông Tuấn nói: "Sông Hồng tồn tại bao nhiêu đời nay, là nơi cung cấp nguồn nước chính, chủ yếu của các tỉnh ĐBSH, nếu chặt khúc bằng các đập thủy điện, các âu tàu thì vùng hạ lưu như Nam Định, Thái Bình không biết lấy đâu nước ngọt để sử dụng.
Cơ quan quản lý phải đánh giá đầy đủ, chứ không thể theo ý chủ đầu tư muốn làm gì cũng được, vì đây là dòng sông của đất nước, nên nó cũng là tài sản của đất nước chứ không thể là của bất kỳ một công ty, doanh nghiệp nào.
Thử đặt ra những câu hỏi, nếu như không có nước của sông Hồng, vào mùa cạn không biết lấy nước ở đâu để chống xâm ngập mặn, trong khi nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt, xâm nhập mặn với Thái Bình đã vào 20km.
Trong khi, muốn làm thì cũng phải có giải pháp, nhưng giải pháp nào, với dự án này cũng sẽ ảnh hưởng, tác động lớn".
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, hiện nay đã có quy hoạch sông Hồng đi qua tỉnh Nam Định, Thái Bình với mục tiêu bảo vệ nguồn nước và môi trường dòng sông.
Nhưng cũng chính nhờ vào đề xuất táo bạo của nhà đầu tư đã làm cho các địa phương, các ngành quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, nguồn nước.
Cho nên cần phải xem xét, chính sách cũng như việc sử dụng nguồn nước, từ trước đến nay đã đạt yêu cầu hay chưa. Trước tình trạng biến đổi khí hậu cần đánh giá, chủ trương, biện pháp lâu dài để bảo vệ, cải thiện nguồn nước, đặc biệt nguồn nước sông Hồng.
Nhất là vấn đề bảo vệ môi trường lưu vực sông, thì phải đồng bộ với chính quyền các địa phương lưu vực sông, các cơ quan tổ chức, các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước đó.
"Theo tôi, chính vì những cảnh tỉnh, tác hại chúng ta lường trước được, đã đánh giá việc sử dụng, quản lý nguồn nước những năm vừa qua còn quá lỏng lẻo, chỉ chú trọng vấn đề kinh tế, lợi ích một địa phương hay một nhóm lợi ích.
Khi xem xét, đánh giá một đề xuất dự án nếu tốt thì chúng ta tiến hành, còn tác động xấu thì nên dừng lại và loại bỏ những đề xuất đó.
Vì đây cũng mới chỉ là đề xuất của chủ đầu tư, mới tính một chiều theo lợi ích kinh tế, chưa tính lợi ích môi trường, ảnh hưởng, sinh kế toàn lưu vực", ông Tuấn cho hay.
Đất việt
Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn