Tóm tắt
Dư nợ BĐS hiện nay khoảng 360 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2009, lúc thị trường thấp điểm nhất. So với tổng dư nợ của toàn hệ thống trên 3 triệu tỷ đồng, dư nợ riêng cho BĐS đang chiếm khoảng trên 11%.
Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay đã thu được 17 tỷ USD, trong khi lượng vốn FDI giải ngân cùng thời gian này là hơn 6 tỷ USD.
Ngân hàng mở rộng “hầu bao”
Thông tư 36/2014/TT-NHNN nới lỏng cho vay BĐS, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%, đã tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS. Số liệu gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ của hệ thống ngân hàng thương mại trong lĩnh vực BĐS, bao gồm cả BĐS công nghiệp, du lịch, nhà ở, văn phòng, cho vay cá nhân để sửa chữa, mua nhà trong 9 tháng năm 2015 đều tăng mạnh. Dư nợ hiện nay khoảng 360 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2009, lúc thị trường thấp điểm nhất. So với tổng dư nợ của toàn hệ thống trên 3 triệu tỷ đồng, dư nợ riêng cho BĐS đang chiếm khoảng trên 11%.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng Giám đốc Quỹ Jen Capital, thị trường BĐS cả nước nói chung đang chứng kiến một sự phục hồi đáng kinh ngạc. Dòng tiền từ hệ thống ngân hàng hiện nay không chỉ “chảy” vào những dự án nhà ở, mà còn đến với người mua nhà để ở hoặc vay đề đầu tư thêm. Từ đầu năm đến nay, tính thanh khoản trên thị trường BĐS được ghi nhận là tăng đáng kể.
Cùng chung nhận định trên, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc công ty TNHH CBRE Việt Nam, cho biết: “Tất cả các phân khúc nhà ở đều có thanh khoản tăng vọt trong 19 tháng trở lại đây. Nguồn vốn đầu tư trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, có gần 90% là vốn của các doanh nghiệp nội địa và vẫn là vốn vay từ hệ thống ngân hàng; còn lại trên 10% là nguồn vốn đến từ các tập đoàn hoặc quỹ đầu tư nước ngoài”.
Còn theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tín dụng cho BĐS đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. VEPR cho rằng khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay BĐS.
Rầm rộ vốn ngoại
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay đã thu được 17 tỷ USD, trong khi lượng vốn FDI giải ngân cùng thời gian này là hơn 6 tỷ USD. Thị trường BĐS hấp thụ khoảng 17% trong tổng vốn FDI đăng ký đầu tư, chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất. Ước tính cả năm 2015, lượng vốn FDI đổ vào thị trường BĐS vào khoảng 3-4 tỷ USD. Tại Tp.HCM, con số này dự kiến vào khoảng 60% trong tổng vốn đầu tư.
Theo quan sát, trong quý 2/15, một liên doanh con của Warburg Pincus, quỹ đầu tư từ Mỹ, đã đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail. Cũng trong quý này, Gaw Capital Partners cùng với đối tác trong nước là NP Capital, đã nhận chuyển nhượng 4 dự án BĐS thuộc nhiều phân khúc khác nhau từ Indochina Land với tổng giá trị 106 triệu USD. Gamuda Land cũng đã nhận chuyển nhượng 40% cổ phần (tương đương 64,1 triệu USD) trong dự án Celadon City, được đầu tư ban đầu bởi một công ty liên doanh giữa Sacomreal, Thành Thành Công (TTC) và An Phú Gia.
Mới đây nhất, sáng ngày 3/11/2015, ông Nguyễn Nam Sơn, Chủ tịch tập đoàn Tanzanite International, tiết lộ chiến lược đầu tư một lượng vốn khá lớn, khoảng từ 400-500 triệu USD vào một dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) từ các nhà đầu tư Singapore và HongKong. Trước đó, ngày 1/11, Quỹ đầu tư Genesis Global Capital của Singapore đã cam kết sẽ đầu tư vào công ty CP Đầu tư xây dựng Phúc Khang với số vốn khoảng 600 triệu USD trong vòng 6 năm tới.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư đang quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam, như Quỹ Asia Capital Reinsurance đang xem xét đầu tư các loại tài sản thông qua đầu tư trực tiếp hoặc BĐS niêm yết. Standard Chartered Private Equity đang quan tâm đầu tư vào phân khúc nhà ở khúc bình dân tại Việt Nam và sẵn sàng liên kết đầu tư. Quỹ đầu tư BĐS EZLand của Luxembourg cũng vừa “rót” vốn vào 2 dự án nhà ở phân khúc trung bình tại quận 9. Kế hoạch trong 5 năm tới, quỹ này sẽ đẩy mạnh đầu tư vào BĐS Tp.HCM, với con số dự kiến lên đến 500 triệu USD.
Kiều hối lập kỷ lục
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV thì năm 2015, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất thế giới. Uớc tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 13 -14 tỷ USD trong năm 2015 và có xu hướng tập trung vào tiền gửi ngân hàng, đầu tư sản xuất kinh doanh và mua BĐS.
Năm 2014, lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD. BĐS chính là lĩnh vực thu hút kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối đổ về khu vực này ước đạt 3,25 tỷ USD, cả năm 2015 dự kiến là 5,5 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ kiều hối chảy vào BĐS khoảng 20,7%.
Theo Trí thức trẻ
Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn