Tóm tắt
Trong năm 2015, TP.HCM đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hợp tác phát triển những siêu đô thị, kỳ vọng sẽ tạo sức nóng trên thị trường BĐS từ năm 2016 trở đi. Song song đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng không bỏ lở cơ hội khi tập trung thu hút vốn phát triển các khu dân cư xanh quy mô lớn tại các khu vực ven nội thành thành phố.
Cơ hội lớn từ đất ven sông
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 5 năm tới (2016-2020), một chương trình hành động mới được tập trung triển khai, đó là thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa trắng hơn 17.000 hộ gia đình sống ven kênh, rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố. Với tổng vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng, hàng chục nghìn hộ dân sinh sống dọc các tuyến kênh rạch như Tham Lương – Bến Cát, Văn Thánh, Bàu Trâu,… sẽ được di dời. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển các dự án khu đô thị ven sông.
Còn tại khu Tây Bắc, Tp.HCM đã dành ra quỹ đất lớn để phát triển các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, giáo dục… để nhanh chóng đưa khu này thành một khu đô thị mới trong 5 năm tới. UBND Tp.HCM đang yêu cầu Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc thành phố cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu ý tưởng quy hoạch chung khu đô thị này theo hướng mở rộng thêm khoảng 3.000ha, đưa tổng diện tích khu đô thị lên khoảng 10.000ha, tiếp giáp với huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và ôm trọn cả khu vực bãi rác Tân Hiệp (đã được di dời).
Trên địa bàn TP.HCM trong năm 2015 đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước công bố hàng loạt dự án BĐS lớn, dự báo sẽ cung cấp cho thị trường hơn 70.000 căn hộ trong vòng 3 năm tới. Trong đó, phải kể đến những dự án phát triển khu đô thị mới nằm dọc các con sông lớn trên địa bàn, mà trước hết là sông Sài Gòn. Những dự án này dự kiến sẽ có sản phẩm đưa ra thị trường từ năm 2017. Hầu hết trong số đó đều có sự tham gia của tập đoàn Vingroup với vai trò là nhà đầu tư chiến lược hoặc chủ đầu tư.
Song song đó, để có được quỹ đất tốt, một số nhà đầu tư đã đón làn sóng IPO của doanh nghiệp nhà nước, kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp sở hữu các "khu đất vàng" để "tiến vào trung tâm" như trường hợp Novaland hợp tác với Sabeco triển khai khu đất nằm trên mặt tiền đường Hai Bà Trưng, quận 1.
Hay như 6 khu đất vàng mà công ty CP In Trần Phú đang quản lý đều có vị trí “vàng” ở quận trung tâm, nằm ở những giao lộ của một vài tuyến đường lớn. Trong năm 2016, đơn vị này sẽ tiến hành di dời đến cơ sở mới tại quận Thủ Đức để hoạt động, bàn giao những khu đất rộng lớn này cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện những dự án BĐS lớn.
“Điểm mặt” các siêu đô thị
Tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, theo Ban quản lý (BQL) Thủ Thiêm, liên doanh Công ty Đế Vương cũng vừa khởi công xây dựng dự án khu thành phố Đế Vương có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, tại đây Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm cũng đang cùng các sở, ngành thành phố hoàn tất thủ tục cấp phép cho dự án khu vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho một tập đoàn lớn của Việt Nam và khu đô thị thông minh Thu Thiem Eco Smart City (hơn 2 tỷ USD) cho Tập đoàn Lotte.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty địa ốc Phát Đạt cũng đang muốn “chen” chân vào đầu tư một khu dân cư hiện đại tại Thủ Thiêm. Được biết, doanh nghiệp này đang làm việc với các sở ngành để thống nhất thiết kế cơ sở dự án cầu Thủ Thiêm 4, đã được UBND thành phố thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT trước đó. Đổi lại, Phát Đạt sẽ nhận 15 lô đất trong khu Thủ Thiêm để phát triển dự án BĐS.
Ngoài ra, Công ty TNHH Một thành viên Cảng Sài Gòn cũng cho biết, từ năm 2016, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội sẽ dừng hoạt động. Thay vào đó, khu đất hơn 32ha với chiều dài bờ sông 1.800m của cảng này sẽ được chuyển đổi công năng thành khu đô thị phức hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển...Dự án này sẽ do Công TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Cảng Sài Gòn nắm 26% vốn điều lệ, hợp tác cùng một tập đoàn đa ngành lớn trong nước) đầu tư, với tổng vốn trên 11.000 tỷ đồng.
Một gương mặt tuy không mới nhưng cũng sẽ tạo độ “nóng” nhất định cho thị trường BĐS TP.HCM trong thời gian tới, đó là khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch hơn 20 năm, nay đã tìm được chủ đầu tư mới. Theo đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận giao khu này cho Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) thực hiện dự án này.
Dự án được triển khai đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2016 – 2020) xây dựng phương án và hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (từ 2021 - 2025), thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 (từ năm 2026 đến 2030) hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án.
Theo Trí thức trẻ
Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn