Đề xuất nhiều nhưng chưa thực hiện
Không phải chờ đến Dự thảo xử phạt vừa rồi do Bộ Xây dựng đưa ra mức phạt cụ thể với dự án bỏ hoang, trước đó, cách đây hơn 3 năm,UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Sau đó UBND TP Hà Nội gửi lên Chính phủ mức đề xuất cụ thể, theo đó, dự kiến mức thuế đánh biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự.
Đồng thời, TP Hà Nội còn kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Ngoài việc đánh thuế cao với tỷ lệ % dự kiến như trên, Bộ Tài chính còn đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt là 10 - 20 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này việc đánh thuế với người sở hữu và xử phạt chủ đầu tư với biệt thự bỏ hoang vẫn chưa thực hiện được. Thời điểm đó, cơ quan chịu trách nhiệm xử phạt cho rằng, chưa xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật để xử lý thực trạng chủ biệt thự, nhà ở bỏ hoang.
Cũng không hiểu vì lý do gì mà từ đó cho đến nay, các bộ ngành vẫn giậm chân tại chỗ trong việc nghiên cứu Luật để xử lý dự án bỏ hoang. Điều này khiến biệt thự bỏ hoang mọc lên như nấm tại những khu đô thị mới. Các biệt thự xây thô có giá từ 10-15 tỷ đồng, không bóng người ở, nằm phơi mưa phơi nắng nhiều năm nay tại dự án ở các khu đô thị như: Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội), Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội)...
Hàng loạt biệt thự bỏ hoang là hệ quả của một quá trình đầu cơ của các nhà đầu tư khi thị trường bất động sản sôi động. Các khu biệt thự xây lên không với mục đích để ở mà được các nhà đầu tư mua đi bán lại nhiều lần. Bên cạnh đó phải kể đến thị trường bất động sản thời gian qua đóng băng nên những ngôi biệt thự mới được xây cũng không có nhiều người mua.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, nếu chỉ xử phạt hành chính việc xây thô sẽ không giải quyết được tận gốc hàng loạt các dự án chung cư, biệt thự xây thô bỏ hoang. Thậm chí, chủ đầu tư chấp nhận xử phạt để được bán nhà xây thô như những sai phạm về trật tự xây dựng khác.
“Chúng ta có Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng sẽ bị thu hồi. Nhưng việc thu hồi rất khó vì nhiều chủ đầu tư làm ăn bết bát bỏ trốn tìm không ra. Còn những dự án xây thô xong bỏ đấy yêu cầu hoàn thiện nhưng chủ đầu tư không có tiền gây khó cho cơ quan quản lý. Khi xây dựng cơ chế làm sao phải hài hoà giữa các bên”, vị này nói.
Không ai quản nên thành biệt thự “ma”
Khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được đưa vào sử dụng 5 năm nay, nhưng số người dân dọn về sống tại đây đếm trên đầu ngón tay. Những ngôi biệt thự ngoài mặt đường được người thuê lại sử dụng vào mục đích kinh doanh. Khu biệt thự nằm khuất phía sau xuống cấp trầm trọng vì bỏ hoang nhiều năm. Những mảng tường sạch mốc xanh rêu, ngôi nhà bỏ hoang bỗng thành nơi chứa chất thải của người dân xung quanh.
Chị Đặng Thoa (chủ cửa hàng mành rèm) ở gần khu đô thị này chia sẻ: “Tôi thuê lại căn biệt thự gần 300 m2 với giá 12 triệu đồng/tháng. So với cách đây 3 năm, khu đô thị đông dân cư hơn nhưng từ ngày dọn về ở và bán hàng ở đây, tôi không dám đi vòng ra đằng sau khi hàng chục ngôi biệt thự nằm liền kề nhau không bóng người. Vào đêm tối, nơi đây thành chỗ trú ẩn của người nghiện. Thậm chí, ở đây còn xẩy ra cướp và tên cướp chạy ẩn nấp trong biệt thự mà người bị hại không dám vào đuổi bắt”.
Một lãnh đạo phường Trung Văn cho rằng, khi có người dọn về ở khu này mới quản lý nhân khẩu. Chủ nhân những ngôi biệt thự bỏ hoang không biết là ai và cũng không biết quản lý kiểu gì. Còn tại Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức, Hà Nội), người dân bỏ vài tỷ đồng để sở hữu biệt thự liền kề ở đây nhưng phải sống trong cảnh lo âu, vì sợ trộm cắp khi xung quanh không có nhiều cư dân sống. Bà Nguyễn Bàng chia sẻ: “Chợ búa xa, hàng xóm không có ai nên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Buổi tối cũng không dám ra khỏi nhà, vì khu đô thị vắng vẻ quá”.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Luật Hình sự, đầu cơ là một tội, khi hành vi thương mại trở thành hành vi thu gom, găm giữ hàng hóa, gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo để trục lợi. Cho nên chống đầu cơ phải dựa vào Luật Hình sự, không phải chỉ dựa vào Luật thuế.
Tiền phong
Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn