0977323883 vuannam@yahoo.com

Chênh vênh tiền lương, thưởng tết!

Lượt xem: 782 Ngày đăng: 20/01/2016

Theo báo cáo thưởng tết do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới công bố, tiền thưởng tết cao nhất năm nay cao hơn 4 lần so với năm 2015, với mức thưởng tết dương lịch cao nhất lên tới hơn 2 tỉ đồng nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ thưởng tết mang tính tượng trưng 24.000 đồng.

 

Chenh venh tien luong thuong tet

Mức thưởng tết cao nhất năm nay vượt trội so với năm ngoái - Ảnh: TL

Thưởng tết: cao nhất 2 tỉ, thấp nhất 24.000 đồng

Tại buổi họp báo cuối năm ngành lao động diễn ra hôm nay 19-1, báo cáo cuối năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy có trên 72% số doanh nghiệp báo cáo có tiền thưởng Tết Dương lịch với mức thưởng bình quân khoảng 1,18 triệu đồng, tăng 1,6% so với năm 2015.

Người có mức thưởng tết cao nhất là 2,028 tỉ đồng tại một doanh nghiệp FDI ở TP HCM, còn người có mức thưởng thấp nhất là 24.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Thái Bình).

Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động, Tiền lương, Bộ LĐTBXH, tại Hà Nội, người có mức thưởng tết cao nhất chỉ là là 30 triệu đồng/người tại một doanh nghiệp FDI, và người có mức thưởng thấp nhất là 150.000 đồng/người tại một công ty cổ phần. Trong khi đó, tại TP HCM, người có mức thưởng cao nhất như đã nêu trên là 2,028 tỉ đồng và người có mức thưởng thấp nhất là 134.000 đồng/người

Về thưởng tết Âm lịch, có 87% số doanh nghiệp báo cáo dự kiến có tiền thưởng tết 2016 với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 5,53 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với thưởng Tết Nguyên đán 2015). Người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng/người, tại một doanh nghiệp ở Hải Dương. Người có mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng/người (một doanh nghiệp ở Bình Phước).

Theo báo cáo này, tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng, và người có mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng, đều là doanh nghiệp FDI. Tại TP HCM, người có mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng/người (doanh nghiệp dân doanh) và người có mức thưởng thấp nhất là 3,09 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI).

Theo bà Minh, luật không hề quy định doanh nghiệp phải thưởng tết dương lịch và âm lịch cho người lao động mà khoản tiền này dựa trên thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng lao động và người lao động dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và năng suất của người lao động. Tuy nhiên, thường số tiền này khoảng một tháng lương.

Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo này, trong số trên 13.000 doanh nghiệp tực hiện báo cáo đến ngày 31-12-2015 vẫn còn 14 doanh nghiệp nợ khoảng 16,5 tỉ đồng tiền lương của 2.300 lao động và hơn 1.700 doanh nghiệp (khoảng 13% số doanh nghiệp báo cáo) chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc không có tiền thưởng tết cho người lao động.

Khu vực nhà nước lương cao hơn tư nhân 40%

Theo bà Minh, do sản xuất, kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có điều kiện để quan tâm và chăm lo tốt hơn đến người lao động. Số liệu tổng hợp báo cáo, thống kê và điều tra do Bộ LĐTBXH thực hiện năm 2015 cho thấy, tiền lương năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014, bình quân đạt 5,53 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với năm 2014.

Tùy theo từng ngành nghề có mức tăng lương khác nhau. Cụ thể, lĩnh vực thương mại, dịch vụ ước đạt 6,32 triệu đồng/người/tháng, tăng 8%; nông, lâm, ngư nghiệp có mức thấp nhất, ước đạt 4,45 triệu đồng/người/tháng, tăng 3%; công nghiệp, xây dựng ước đạt 5,34 triệu đồng/người/tháng, tăng 11%.Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có lương bình quân đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8%; doanh nghiệp tư nhân ước đạt 4,99 triệu đồng/tháng, tăng 6%; doanh nghiệp FDI ước đạt 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 9%. Như vậy, lương của doanh nghiệp nhà nước vân cao hơn 40% so với doanh nghiệp tư nhân, và cao hơn gần 30% so với khu vực FDI.

Đặc biệt, theo bà Minh, ngành dệt may, da giày, túi xách do số lượng đơn hàng ổn định và tăng nên tiền lương của người lao động của những ngành này có mức tăng khá. Cụ thể, dệt may 4,54 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5%; da giày 4,5 triệu đồng, tăng 8,9%; chế biến thủy sản 4,97 triệu đồng, tăng 4,9%; chế biến gỗ 5,23 triệu đồng/ tăng 5,3%.

Cũng theo bà Tống Thị Minh, một số nghề như cao su, dầu khí…năm 2015 mặc dù năng suất lao động theo sản lượng vẫn tăng, song do ảnh hưởng bởi tình hình giá cả thị trường thế giới làm cho doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm mạnh, cho nên tiền lương của người lao động cũng bị ảnh hưởng, với mức giảm dưới 10%. Cụ thể, ngành cao su với khoảng 120.000 lao động, năng suất lao động theo sản lượng tăng khoảng 6%, nhưng do giá bán giảm (hiện nay còn 31 triệu đồng/tấn) nên tiền lương giảm khoảng 4-5%.

Một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu có năng suất lao động theo sản lượng khai thác tăng 7% nhưng do giá giảm mạnh nên tiền lương giảm bình quân 3-5% so với năm trước.

 
VietBao.vn (Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn