Gặp lại lão doanh nhân hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Cách mạng
Trong số 3 đại doanh nhân tiêu biểu nhất của Hà Nội thế kỷ 20 thì ông Trịnh Văn Bô luôn luôn đứng ở vị trí số 1. Dù tài… kiếm tiền và sự giàu có của 2 vị doanh nhân còn lại là Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Sơn Hà cũng không hề thua kém, nhưng người ta biết đến ông Bô nhiều hơn bởi ông đã ủng hộ cho cách mạng hầu như tất cả số tài sản khổng lồ của mình từ những ngày đầu lập quốc…
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ với giới doanh nhân
Phía sau người đàn ông thành đạt
Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) quê ở làng Đồng Hoàng, xã Đồng Mai, Thanh Oai, Hà Đông. Dòng họ Trịnh của ông đã có 4 đời lập nghiệp và rất thành công trong lĩnh vực học vấn cũng như kinh doanh tại Hà Nội. Ông Bô vốn là con trai út trong gia đình và được cha mẹ cho học hành tử tế.
Dù tốt nghiệp Tú tài, tiếng Anh, tiếng Pháp làu làu nhưng ông lại chịu ảnh hưởng tinh thần Quốc gia dân tộc từ thân phụ là cụ Trịnh Văn Đường và người bạn thân thiết Hoàng Đạo Phương - những thành viên của phong trào Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Vì vậy, sau khi học xong, ông Bô không làm việc cho nhà nước bảo hộ mà quay ra kế nghiệp gia đình làm chủ hiệu kinh doanh vải Phúc Lợi tại 48 Hàng Ngang. Nhờ tài kinh doanh trời phú, chẳng mấy chốc ông đã mở mang cơ sở, nhà máy của mình ngày một lớn và mở rộng giao thương, có bạn hàng khắp Đông Dương, thậm chí thiết lập buôn bán với nhiều nước châu Âu hay Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc… Vợ chồng cụ Hoàng Minh Hồ chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới doanh nhân trong Tuần lễ vàng năm 1945
Tuy nhiên, đúng như người ta từng nói “phía sau người đàn ông thành đạt luôn có dấu ấn một người phụ nữ”, trường hợp ông Bô cũng không ngoại lệ. Người phụ nữ tháo vát với khả năng quản lý và “tay hòm chìa khóa” đắc lực nhất chính là vợ ông - bà Hoàng Thị Minh Hồ. Chính bà Hồ mới là người giúp ông đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn trong việc gây dựng và phát triển cơ nghiệp. Và cũng chính bà là người đã đưa ra một triết lý kinh doanh mà đến nay vẫn mang giá trị thời đại: “Buôn bán 10 đồng thì chỉ giữ lại 6-7 phần. Còn đâu thì giúp đỡ cho người nghèo để cộng đồng cùng phát triển”. Chính vì thế mà từ trước năm 1944, bà Hồ đã tích cực dùng một phần lợi nhuận của gia đình để làm từ thiện, cứu đói và ủng hộ việc nghĩa.
Cụ Minh Hồ tại căn nhà cũ số 48 Hàng Ngang hiện đã hiến làm di tích lịch sử
Bước ngoặt quan trọng nhất của 2 ông bà chính là ngày 14-11-1944, khi ông bà được đồng chí Khuất Duy Tiến (nguyên Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội) mời làm cơ sở bí mật cung cấp tài chính cho cách mạng. Tính đến trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, 2 ông bà đã nhiều lần ủng hộ quỹ tài chính của Đảng số tiền 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương hơn 200 cây vàng.
Độc lập không thể nào để mất
Cụ Bô quy tiên đã lâu, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ hiện cũng đã 102 tuổi. Lịch sử cách mạng Việt Nam vẫn không thể quên ngày giành lại chính quyền từ tay Phát xít Nhật, khi Chính phủ lâm thời đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn về tài chính. Lúc ấy khoản nợ ngắn hạn của Kho bạc Trung ương lên đến 564 triệu đồng, trong khi ngân khố chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương mà gần một nửa là tiền rách không thể lưu thông được.
Giải pháp phát động Tuần lễ vàng để gây quỹ cho Chính phủ là cách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lúc này. Và để hưởng ứng Tuần lễ vàng, cụ Minh Hồ đã thay mặt chồng ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Ngoài ra cũng chính vợ chồng cụ đã làm thành viên cốt cán trong Ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân để rồi sau đó Ban vận động quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.
Cái tên của doanh nhân Trịnh Văn Bô đã đi vào lịch sử Việt Nam từ đó, nhưng đến mãi năm 2013, lần đầu tiên, người vợ của ông - doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ mới được xướng danh và trở thành doanh nhân tiêu biểu cao tuổi nhất Việt Nam tròn 100 tuổi. Ở tuổi ấy, cụ Hoàng Thị Minh Hồ vẫn gây bất ngờ và khiến những người từng tiếp xúc phải khâm phục vì sự minh mẫn cùng tinh thần “thép”. Khi được phỏng vấn, cụ nổi tiếng với câu trả lời bất hủ và kiên định: “Vợ chồng tôi có đóng góp hết cơ nghiệp cho Cách mạng thì với 4 bàn tay và 2 khối óc, chúng tôi lại sẽ làm ra. Nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất”.
11 tuổi cụ Hoàng Minh Hồ mới được học chữ, 15 tuổi đã phải dừng. Nhưng khi lập gia đình năm 20 tuổi, chính tài kinh doanh thiên bẩm đã giúp cụ gia tăng số vốn ban đầu là 3 vạn đồng Đông Dương lên hàng trăm lần cho chồng. Cụ bảo: “Ngày ấy tôi chỉ nghĩ, giữ được chính quyền, giữ được đất nước thì mình mới mong tiếp tục buôn bán”. Chình vì thế cụ đã bán phá giá nhiều xấp vải trong cửa hiệu để có tiền đài thọ cho mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của các cán bộ cách mạng lúc bấy giờ.
Với cụ, dấu ấn về Cách mạng, về Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Cũng bởi lẽ đó nên sau này, cụ đã hiến căn nhà 48 Hàng Ngang cùng toàn bộ đồ đạc - nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập để làm di tích quốc gia. Hiện cụ chỉ còn giữ duy nhất chiếc tràng kỷ. Cụ kể lại: “Chiếc tràng kỷ này là chiếc gường ngủ của vợ chồng tôi. Khi Bác Hồ về Hà Nội, tôi cũng không biết là ai mà chỉ ngờ ngợ đó là một cán bộ cao cấp lắm. Tôi bố trí Bác ở tầng 2 để tránh sự nhòm ngó của xung quanh, ai có hỏi thì cũng chỉ nói, đó là ông cậu từ quê lên chơi. Bác Hồ ở đó, ngủ tạm trên chiếc tràng kỷ này và hàng ngày viết lách say sưa lắm. Lúc đó tôi không hề biết mình đang chứng kiến một thời khắc lịch sử - Bác đang viết bản Tuyên ngôn độc lập. Cho đến sáng 2-9-1945, khi tôi có mặt ở Quảng trường Ba Đình thì mới biết “ông cậu dưới quê” kia chính là Bác Hồ”.