0977323883 vuannam@yahoo.com

“Máu kinh doanh” và sự cẩn trọng

Lượt xem: 2352 Ngày đăng: 17/08/2015

Những “cú đánh” mới của doanh nhân Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Nghiêm cẩn như một thầy giáo, ngay cả đến nụ cười cũng có chút gì như… e dè. Nhưng khi bàn chuyện kinh doanh, chuyện pháp luật… thì Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Bất động sản SGInvest lại trở nên linh hoạt đến mức khiến người đối diện khó có thể bắt kịp.

Khởi nghiệp từ tay trắng song 2 năm liên tiếp, anh có mặt trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt đồng thời anh cũng là một trong 5 luật sư được vinh danh – hãng luật và luật sư tiêu biểu.

Đi học và “đi buôn”

Muốn hỏi anh về chức danh mới, Phó chủ tịch TW Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam vậy mà chẳng hiểu do anh giỏi “lái”, hay bản lĩnh nghề nghiệp của tôi chưa đủ mà câu chuyện của tôi lại trở về muôn thủa: chuyện kinh doanh của doanh nhân.

Trong câu chuyện bên lề, anh nói rằng, “máu kinh doanh” trong anh cũng xuất hiện từ những ngày anh còn chưa tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, chưa trở thành luật sư. “Bởi suy cho cùng, cũng vì cơm áo mà thôi” – anh chia sẻ. Tôi thì lại nghĩ khác, quê Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc một vùng quê mà “trẻ con cũng đã biết kiếm tiền” và buôn cả… máy bay thì đương nhiên, kinh doanh “ngấm vào máu” anh cũng phải.

Từ khi còn đang học Đại học Luật Hà Nội, anh đã chuyển từ ký túc xá ra thuê trọ bên ngoài để kết hợp mở văn phòng gia sư - một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội và sau đó là “đi buôn” điện thoại. Thời ấy, giá cước liên lạc của VN còn rất cao so với khu vực và trên thế giới nên điện thoại được cho là mặt hàng hot, qua đó, lợi nhuận thu về cũng khá cao. Anh cho biết, “hiện phòng khách trong gia đình vẫn trưng bày một cái điện thoại thuộc dòng… đồ cổ - là một kỷ vật của thời đi buôn điện thoại”. Bởi đối với anh, chiếc điện thoại cũ kỹ ấy không chỉ gợi nhớ đến những kỷ niệm về một thời gian khó, mà còn là vật chứng đánh dấu mốc khởi nghiệp kinh doanh gần 20 năm về trước.

Chính từ bước đà đó, SMiC ra đời năm 2002, để 10 năm sau biến anh thành một trong 5 luật sư được vinh danh là Luật sư tiêu biểu năm 2012 trên tổng số hơn 7.200 luật sư đang hoạt động khắp cả nước trong chương trình bình chọn “Vinh danh hãng luật và luật sư tiêu biểu” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với nhiều người, đó là niềm mơ ước, bởi được góp mặt ở cả 2 hạng mục bình chọn: 10 hãng luật tiêu biểu và 5 luật sư tiêu biểu của năm.

Vậy để xây dựng FLC Group, anh được và mất những gì?

Mãi năm 2008 FLC Group mới thành lập, nhưng FLC không phải chạy theo thời điểm “giàu xổi” của chứng khoán và bất động sản của năm đó, nó bắt nguồn từ những kinh nghiệm được đúc kết từ SMic. Đối với tôi, FLC là cả sự nghiệp. Và khi bạn dồn tất cả tiền của, tâm huyết của mình vào đó, bạn sẽ phải thận trọng hơn. Khi nó là cả sự nghiệp, chính bạn sẽ là người muốn nó được khỏe mạnh, phát triển tốt hơn bất cứ người nào khác. Là đến thời điểm này, cái được lớn nhất của tôi là FLC Group vẫn tiếp tục phát triển một cách vững vàng và bền vững.

Còn cái mất ư? (cười). Đó là những năm tháng tuổi trẻ ít sôi nổi và… yêu đương. Những năm tháng đó là để… tích lũy kinh nghiệm kinh doanh.

Anh nói FLC ra đời từ kinh nghiệm của anh tại SMiC, tại sao vậy. Hai công ty, hai (thậm chí nhiều hơn hai) ngành nghề kinh doanh khác nhau?

Những năm gần đây, nhà đầu tư nhắc nhiều đến những sai lầm trong các quyết định kinh doanh tại không ít công ty niêm yết, khiến các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng điêu đứng, có nguy cơ phá sản. Trong số những sai lầm ấy, có những trường hợp sai lầm đến từ sự không chặt chẽ trong các hợp đồng kinh tế. Nhưng trong kinh doanh, rủi ro là điều khó tránh. Nhất là khi đứng trước một cơ hội lớn, người lãnh đạo doanh nghiệp thường bị kỳ vọng lợi nhuận trước mắt làm lu mờ những rủi ro hiện hữu. Chính kinh nghiệm từ SMiC, tôi có thể khẳng định, với FLC, rủi ro pháp lý là điều không được phép xảy ra, bởi chúng tôi có được sự hậu thuẫn của những “chuyên gia” trong ngành luật và được điều hành trong sự cẩn trọng tối đa của một người có thâm niên trong nghề luật.

Nhưng quả thật, với góc nhìn của tôi làm quản lý nhiều như vậy thật quá sức. Vậy anh “phân thân” ra sao?

Đó là nghệ thuật quản trị. Với SMiC, tôi có hai phó giám đốc đồng cam cộng khổ và rất am hiểu pháp luật. Với FLC, tôi có đội ngũ giám đốc các công ty con đủ tầm và đủ để tôi... an tâm.

Để phát triển bền vững

Từ một công ty nhỏ thành lập năm 2008, FLC hiện nay đã trở thành một tập đoàn gồm nhiều công ty con kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, dịch vụ tư vấn, giáo dục dạy nghề... với mức tăng trưởng ấn tượng. Năm 2012, bất chấp sự biến động của thị trường tài chính, Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết vẫn có tên trong danh sách "Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt” ở vị trí thứ 30 với lượng cổ phiếu trị giá 602 tỉ đồng.

Hơn nữa, khi năm 2012 được xem là thời kỳ đen tối nhất của thị trường bất động sản khi các con số cập nhật về doanh nghiệp phá sản liên tục thay đổi. Thế nhưng, doanh thu của FLC trong 2012 vẫn ở mức 1.531 tỉ đồng, lợi nhuận tăng tới 88% so với 2011.

Hình như FLC đi ngược với xu hướng?
 

Không! Chúng tôi đón đầu xu hướng thì đúng hơn. Có được doanh thu như vậy là do chúng tôi thực hiện chính sách đầu tư co cụm vào lĩnh vực thế mạnh, hạn chế tối đa đầu tư dàn trải. Có lẽ những năm tháng làm nghề luật sư đã khiến tôi thận trọng khi đặt bút ký và tìm kiếm bạn hàng. Thậm chí, tôi thận trọng đôi khi có phần thái quá nhưng khi cơ hội đến thì máu liều trong tôi cũng sôi sục chẳng thua kém ai.

Chẳng hạn như việc mở trường dạy nghề FLC vào đầu năm 2013 cũng vậy, khi trường đại học nhiều như “nấm sau mưa” thì nhu cầu của xã hội lại cần có trường nghề đúng nghĩa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Nhưng cũng phải khẳng định rằng, có lẽ, trong kinh doanh muốn thành công, con người ta cần thêm những phút giây cực liều.

Trong thời điểm các doanh nghiệp bất động sản phải “nịnh” thượng đế, FLC đã từng “dọa” kiện các nhà đầu tư - đó là phút giây “cực liều” như anh nói?

Không liều. Tôi vẫn khẳng định rằng, chúng tôi tuân thủ pháp luật. Chúng tôi bán thanh lý thu nợ chứ không phải bán hộ theo giá gốc của khách đã mua trước đó. Các điều khoản này đã có trong hợp đồng. Sau thời hạn bàn giao khách hàng không đến sẽ có 30 ngày khách hàng chịu lãi chậm nộp sau đó chủ đầu tư mới bán thanh lý.

Nghe có vẻ như... con người anh khá mâu thuẫn. Vậy triết lý kinh doanh của anh là gì?

Triết lý kinh doanh của tôi rất đơn giản: “trong kinh doanh, sự cẩn trọng không bao giờ thừa. Sự cẩn trọng luôn đem lại sự an toàn pháp lý cho mọi hoạt động của tập đoàn, cho các cổ đông và đối tác”.

Hoạt động của FLC đã và đang tuân theo triết lý này. Chúng tôi luôn chú trọng yếu tố an toàn, đặt yếu tố an toàn lên vị trí  hàng đầu trong các quyết định đầu tư, kinh doanh. Mỗi đơn vị thành viên cũng như cả tập đoàn đều có bộ phận phân tích rủi ro để tham mưu cho lãnh đạo công ty và lãnh đạo tập đoàn trước khi đưa ra quyết định. Chính vì vậy, các quyết định đầu tư của chúng tôi cho đến giờ phút này đều an toàn và mang lại hiệu quả.

Vậy nếu FLC phải thay đổi, anh sẽ chọn...?

Tôi sẽ tiếp tục lựa chọn việc tăng cường chất lượng bộ máy nhân sự của tập đoàn, từ những người lãnh đạo, quản lý đến cán bộ, kỹ sư.

Xin cảm ơn anh!
       
   

 


Là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, hiện tài sản thực của anh là?

Thật ra, tôi nghĩ thế này nhé! tài sản của tôi có bao nhiêu không quan trọng bằng việc đó là những tài sản chính đáng. Hơn nữa, theo tôi, tài sản trên sàn chứng khoán luôn biến động và gắn với doanh nghiệp. Đơn cử nhé, anh có 10 triệu cổ phiếu – 10 tỉ đồng chẳng hạn nhưng anh đang là chủ của doanh nghiệp đó, anh bán hết số cổ phiếu đó đương nhiên sẽ bị đặt câu hỏi: tại sao anh bán? Và ngay tức thì, giá cổ phiếu sẽ “down” không thương tiếc. Thậm chí là anh sẽ không bán được cổ phiếu nào. Vậy theo bạn, giá trị tài sản lúc đó là bao nhiêu ?

Nếu là một nhà đầu tư cá nhân với 1 tỉ đồng tiền mặt vào lúc này, anh sẽ đầu tư vào đâu?

Tôi sẽ đầu tư vào bất động sản và chứng khoán. Đơn giản là vì các kênh đầu tư khác như vàng đã bị đẩy giá lên quá cao, khả năng đột biến về giá trong tương lai gần là không lớn. Trong khi đó, bất động sản đang ở mức giá hợp lý và nhiều lựa chọn. Chứng khoán thì rất nhiều mã cổ phiếu do bị ảnh hưởng chung bởi tình trạng lình xình của thị trường và yếu tố tâm lý của nhà đầu tư đang bị đẩy xuống thấp hơn giá trị thực của nó.

Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay, tôi sẽ không dùng chiến thuật “bỏ trứng vào một giỏ”, mà sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro.

 


 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn