Sáng ngày 19/08/2015, Ngân hàng nhà nước bất ngờ công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD.
Sau thông báo này, CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) đã có báo cáo đánh giá đây là một chính sách hợp lý trong bối cảnh có nhiều diễn biến bất ngờ trên thị trường tiền tệ năm 2015.
Theo BSC, tình hình Kinh tế Vĩ Mô cũng như sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với tình trạng mong manh đầu năm 2011. Tuy nhiên, BSC cho rằng tình hình ngoại hối vẫn đang căng thẳng kể cả sau khi điều chỉnh biên độ, diễn biến thị trường tiền tệ thế giới tiếp tục phức tạp.
Sức ép điều chỉnh tỷ giá đã phần nào nằm trong kỳ vọng của nhà đầu tư trước sức ép từ chính sách tỷ giá của PBoC và khả năng nâng lãi suất từ FED nhưng theo BSC, NHNN trong thời gian còn lại của năm sẽ điều hành và cân đối cung cầu thận trọng và chặt chẽ hơn, đồng thời sẽ căn chỉnh chính sách theo phản ứng của thị trường.
Điều mà nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm hơn cả là điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhóm ngành như thế nào?
Báo cáo của BSC nhận định, trong 4 năm thực thi nhiều chính sách tỷ giá chặt chẽ, đa số các ngành/doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc vốn vay ngoại tệ đều đã giảm đòn bẩy đáng kể (trừ ngành Vận tải biển). Quy mô xuất nhập khẩu tăng gần 50% trong 4 năm từ 203 tỷ USD lên 298 tỷ USD (2014). Do vậy việc tỷ giá tăng trong giai đoạn sắp tới cũng không tác động quá tiêu cực đến nền kinh tế.
Theo đó, đối với 1 quốc gia mà nền kinh tế có định hướng xuất khẩu như Việt Nam, đồng nội tệ giảm sẽ có tác động hai chiều đến các nhóm ngành.
Cụ thể nhóm được hưởng lợi gồm các ngành xuất khẩu như:
- Thủy sản (do chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Đông Á). Tại nhóm này, BSC lưu ý các mã VHC, FMC, IDI, HVG.
- Dệt may (doanh thu xuất khẩu tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào không bị tác động lớn do đồng Nhân dân tệ giảm giá). Tại nhóm này, BSC lưu ý các mã TCM, TNG, NPS, KMR, GMC, GIL, TET, EVE.
- Cao su (việc tăng tỷ giá VND/USD làm giảm bớt tác động tiêu cực của việc phá giá RMB). Tại nhóm này, BSC lưu ý các mã DPR, TRC, PHR, TNC, VHG.
- Công nghệ (gia tăng doanh thu của dịch vụ gia công phần mềm bằng USD). Tại nhóm này, BSC lưu ý các mã FPT, CMG.
- Dầu khí (nguồn thu của các DN dầu khí chủ yếu là USD trong khi chi phí bằng VND vẫn chiếm phần lớn). Tại nhóm này, BSC lưu ý các mã PVD, PVS, GAS.
Trong khi đó, nhóm sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực như nhóm ngành nhập khẩu như dược, nhựa, săm lốp và các ngành có mức độ vay nợ ngoại tệ lớn như điện, vận tải biển, xi măng.
Theo Trí thức trẻ/BSC
Công ty Cổ phần BĐS AnNam
Copyright © 2004 - 2016 Batdongsanannam.com.vn.
Địa chỉ: Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0977323883 - Email: batdongsanannam@gmail.com
Phát triển bởi Brzii Software Jsc http://Batdongsanannam.com.vn