Chiều 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
Ô tô dưới 2.000 cm thuế suất giảm 5% mỗi năm
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ và Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, ngay sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) đã làm việc với Bộ Tài chính - Cơ quan soạn thảo để rà soát và tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH. Các ý kiến của ĐBQH đã được thống nhất tiếp thu và giải trình (không còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra).
Về sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, trước đó một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Luật tỷ lệ % giá tính thuế TTĐB với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Có ý kiến đề nghị làm rõ giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định như Dự thảo luật về giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu được hiểu là hàng hóa nhập khẩu chịu hai lần thuế TTĐB, “thuế trùng thuế”.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban TCNS và Bộ Tài chính - Cơ quan soạn thảo đề nghị quy định ngay trong Dự thảo luật, giá bán đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước bán ra không được thấp hơn 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Trường hợp bán thấp hơn quy định thì cơ quan thuế sẽ có thẩm quyền ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.
Về giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra: để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch của Luật, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ sở kinh doanh thương mại và khấu trừ số thuế tại khâu nhập khẩu vào Dự thảo luật. Nội dung này đã được thể hiện tại khoản 1 Điều 2 của Dự thảo luật.
Về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ, trước đó tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị không chia thành nhóm nhỏ đối với xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, không phân loại dung tích dưới 1.000 cm3 và đề nghị không giảm thuế quá sâu đối với dòng xe dưới 2.000 cm3. Có ý kiến cho rằng, việc chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban TCNS và Bộ Tài chính đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 như Dự thảo luật. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo luật.
Liên quan thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ, có ý kiến cho rằng, chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu. Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung ưu tiên phát triển đối với phân nhóm dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, qua thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2015, số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhập khẩu bán ra trong nước khá lớn, khoảng 8.650 chiếc, chiếm khoảng 89% số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống tiêu thụ trên thị trường.
Theo Ủy ban TCNS, nếu quy định như Dự thảo luật dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ để bán trong nước mà không chú trọng đầu tư phát triển như mục tiêu của Chiến lược. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019, điều chỉnh lại lộ trình tăng thuế suất đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3.
Theo đó, loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống, từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với hiện hành). Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành).
Còn loại xe có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3, từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 60% (tăng 10% so với hiện hành).
Về hiệu lực thi hành Luật, theo Dự thảo luật kèm theo Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, dự kiến hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, do Quốc hội lùi thời gian thông qua Luật từ kỳ họp thứ 10 sang kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016), đồng thời để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh, UBTVQH đề nghị thời điểm thực hiện Luật từ ngày 01/7/2016 là phù hợp.
Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ và Hội trường về Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), ngay sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Thường trực Ủy ban TCNS đã làm việc với Cơ quan soạn thảo để rà soát và tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH. Các ý kiến của ĐBQH đã được thống nhất tiếp thu và giải trình. Hiện không còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, về sự cần thiết sửa đổi Luật, có ý kiến cho rằng, Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mới kết thúc đàm phán, chưa ký kết và chưa trình Quốc hội để phê chuẩn. Do đó, đề nghị sau khi ký kết Hiệp định TPP mới tiến hành sửa đổi Luật này.
Về vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mới được kết thúc giai đoạn đàm phán, hiện tại vẫn trong quá trình rà soát trước khi công bố. Việc ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh (như miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, thuế phòng vệ thương mại,...); đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP khi được Quốc hội thông qua, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết.
Có ý kiến cho rằng, ba loại thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, “dường như” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, ba loại thuế này đang được quy định tại văn bản ở mức pháp lệnh. Việc nâng cấp pháp lệnh thành quy định của Luật sẽ tạo sự minh bạch, rõ ràng, thống nhất trong việc áp dụng các loại thuế trên đối với hàng hóa nhập khẩu, phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp. Theo ông Phùng Quốc Hiển: “Nếu bỏ ba loại luật này ra để tổng kết xây dựng thành luật mới thì cũng được nhưng sẽ chậm so với quá trình các hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp được thực hiện”.
Đồng quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, khi có biểu hiện bán phá giá, trợ cấp…, các nước đều giao Bộ Công Thương điều tra, nếu điều tra phát hiện có việc như vậy, Bộ Tài chính tiến hành thu theo luật, nước nào cũng vậy. Luật chỉ quy định nguyên tắc.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nội dung quy định của Luật cơ bản kế thừa và không bãi bỏ các nội dung khác của ba pháp lệnh hiện hành. Quy định như Dự thảo Luật là tạo thuận lợi và chủ động cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều hành hoạt động thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu.
Về thời điểm thi hành của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thời gian có hiệu lực của Luật từ ngày 1/9/2016 thay vì từ ngày 1-7-2016.